Việc biết cách đọc báo cáo tài chính (BCTC) của một công ty một doanh nghiệp là bước phân tích cơ bản để chúng ta – những nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư vào một công ty tốt hay chính xác là một mã chứng khoán nào đó để có lợi nhuận.
Vậy làm sao để đọc hiểu báo cáo tài chính một cách tốt nhất cho người mới khi bước chân vào thị trường chứng khoán. Trong bài viết này, danhgiachuan sẽ giúp bạn cách đọc hiểu báo cáo tài chính một cách dễ hiểu và đơn giản nhất để ngay cả những người không phải trong ngành tài chính cũng có thể đọc hiểu BCTC một cách dễ dàng.
Các danh mục báo cáo tài chính cần biết
Báo cáo tài chính của một doanh nghiệp thường có 4 loại ở thị trường Việt Nam nhưng ở chuẩn quốc tế thì có 5 loại.
Bảng cân đối kế toán
- Bảng cân đối kế toán là nơi để ghi chép toàn bộ tài sản của một doanh nghiệp, bảng cân đối kế toán có thể cho người đọc đánh giá rằng tài sản này bao nhiêu, có chất lượng hay không dựa vào các chỉ số trên bảng.
- Một doanh nghiệp để hoạt động được thì cần có nhà xưởng, máy móc, có phương tiện đi lại và vận chuyển là ô tô, container … và những tài sản này được gọi là tài sản dài hạn của doanh nghiệp.
- Tài sản dài hạn tạo ra năng lực sản xuất cho doanh nghiệp
- Để đầu tư vào tài sản dài hạn, người ta thường gọi là CAPEX – đầu tư vào năng lực sản xuất.
- Tài sản ngắn hạn là những trang thiết bị có thời hạn sử dụng ngắn dưới 1 năm, là tiền gửi ngân hàng, là những khoản đầu tư ngắn hạn.
- Nguồn vốn: bao gồm vốn vay, vốn chủ sở hữu do NDT hay các cổ đông đóng góp vào.
Vốn vay được viết tắt là D (Viết tắt của từ Debt – vay)
Vốn chủ sở hữu được viết tắt là chữ E
Tỷ lệ giữa vốn vay và vốn chủ là D/E hay còn gọi là nợ/vốn chủ sở hữ, đây là một tỷ lệ cực kỳ quan trọng khi chúng ta nghiên cứu về báo cáo tài chính của một doanh nghiệp.
Nên chọn cổ phiếu có D/E nhỏ hơn 1
Ngoài các tài sản cố định trên thì một doanh nghiệp cần phải có vốn để quay vòng. Và vốn quay vòng nằm trong tài sản ngắn hạn.
Nếu chuyển một phần vốn đó từ nguồn vốn sang bảng cân đối kế toán thì ta có vốn lưu động, và được tính: Vốn lưu động dòng = Tài sản ngắn hạn – nợ phải trả
Khoản đầu tư vào vốn lưu động ròng gọi là OPEX
Mỗi lần đầu tư vào tài sản ngắn hạn thì tạo ra năng lực sản xuất và mỗi lần quay vòng vốn lưu động thì tạo ra thu nhập cho doanh nghiệp.
Và từ đó cho ra một báo cáo quan trọng đó là là báo cáo kết quả kinh doanh, khi vốn lưu động quay vòng thì tạo ra báo cáo kinh doanh.
Một chỉ số gọi là giá trị sổ sách là P/B cũng có liên quan đến vốn chủ sở hữu.
Báo cáo cân đối kế toán thể hiện sức khỏe ở một thời điểm, nhưng bảng cân đối kế toán lại thay đổi từ đầu kỳ sang cuối kỳ, nó thể hiện dòng tiền của doanh nghiệp đang vận hành như thế nào.
Nợ: có nợ ngắn hạn và nợ dài hạn
- Nợ ngắn hạn: là những khoản mà doanh nghiệp phải trả cho nhà cung cấp, cho các đối tác.
- Nợ dài hạn: là vay ngân hàng trên 1 năm
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
Là nơi cho người đọc thấy các con số về doanh thu, chi phí, thuế và lợi nhuận và số tiền còn lại sau khi trừ đi hết chi phí.
Trong báo cáo kinh doanh có các mục:
- Doanh thu: để có doanh thu thì phải có các chi phí để mua hàng, nguyên vật liệu
Lợi nhuận gộp = doanh thu – giá vốn
Lợi nhuận trước thuế = Lợi nhuận gộp – chi phí
Lợi nhuận sau thuế = Lợi nhuận trước thuế – thuế thu nhập doanh nghiệp
- Và lợi nhuận sau thuế thường là dòng báo cáo cuối cùng của báo cáo kết quả kinh doanh (Bottom line – ý nói đến lợi nhuận cuối cùng).
- Và lợi nhuận sau thuế này được cộng vào vốn chủ sở hữu dưới một dạng gọi là lợi nhuận chưa phân phối, và đồng thời việc cộng vào này làm cho vốn chủ sở hữu tăng lên và tạo ra thêm giá trị thặng dư cho doanh nghiệp.
Giá trị thặng dư dương khi tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp
- Giá trị thặng dư âm khi không tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp, tức là doanh nghiệp lúc này đang bị lỗ.
- Bất cứ doanh nghiệp nào cũng luôn nỗ lực tạo ra giá trị thặng dư lớn cho doanh nghiệp, và giá trị này sẽ được chạy vào túi của cổ đông dưới dạng lợi nhuận chưa phân phối.
Phân tích ngang theo dòng thời gian và phân tích dọc theo các chỉ tiêu dưới
- Doanh thu: Chúng ta xem tăng trưởng doanh thu theo dòng thời gian, năm sau tăng trưởng dương so với năm trước và số % càng lớn thì chứng tỏ công ty làm ăn rất tốt.
- Lãi gộp: đây là một tiêu chí rất quan trọng, tỷ lệ lãi gộp bằng giá bán – giá vốn nếu đó là công ty bán lẻ, tỷ lệ lãi gộp trên 10% chứng tỏ công ty làm ăn rất tốt, và tốc độ tăng trưởng lãi gộp trên 3% được coi là tốt.
- Chỉ tiêu EBITDAR: là viết tắt của Earning Before Interest, Tax, Depreciation Amortization And Rent. lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay
- EBITDAR = Lợi nhuận sau thuế + thuế + lãi vay + khấu hao và hao mòn + thuê hoạt động
- Với các Doanh nghiệp bán lẻ thì thường có thêm chữ R ở cuối
- Chỉ số EBITDAR cho chúng ta hình dung được khả năng tạo ra dòng tiền của doanh nghiệp mà không chịu ảnh hưởng của cấu trúc vốn (tỷ lệ vốn vay/tổng tài sản) cũng như là chịu ảnh hưởng của cấu trúc tài sản.
Chỉ số EBIT:
- EBIT = Lợi nhuận sau thuế + thuế + lãi vay
- Chỉ số EBIT còn cho thấy việc sử dụng đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp đó có hiệu quả hay không.
- Chỉ số EBIT đại diện cho khoản lợi nhuận không bị ảnh hưởng bởi cấu trúc vốn
Chỉ số thanh toán lãi vay
- Đây là chỉ số rất quan trọng, được tính bằng lần.
- Chỉ số thanh toán lãi vay = EBIT/chi phí lãi vay
Chi phí bán hàng
- Tỷ lệ chi phí bán hàng trên doanh thu cho thấy mức độ hoạt động của công ty, chi phí bán hàng tăng thêm tương ứng với doanh thu tăng thêm thì lại phản ánh chất lượng của các khoản doanh thu.
- VD nếu doanh thu bán hàng tăng nhưng chi phí hoa hồng cho nhân viên không tăng thì ta có quyền nghi ngờ về chất lượng của khoản doanh thu tăng đó.
Biên lãi kinh doanh trên doanh doanh thu
- Chỉ số này phản ánh hiệu quả hoạt động kinh doanh bao gồm cấu trúc vốn, cấu trúc tài sản của doanh nghiệp.
Chỉ tiêu về thuế
- Có ba loại chỉ tiêu về thuế thường có trong báo cáo kết quả kinh doanh đó là thuế thu nhập doanh nghiệp hiện thời, thuế thu nhập doanh nghiệp – hoãn lại và chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Trong đó Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp = Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện thời + Thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại, và khoản thuế này doanh nghiệp phải chi trả cho cơ quan thuế.
Lãi (lỗ) thuần sau thuế
- Sau đi trừ đi các khoản thuế thì ta có lãi/lỗ thuần sau thuế, đây mới chính là con số quan trọng hàng đầu trong bản báo cáo kết quả kinh doanh.
Chỉ số lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS)
- Nếu là nhà đầu tư thì chỉ số EPS này cực kỳ quan trọng, nó có thể tác động đến việc mua hay bán một cổ phiếu, đây cũng là một cấu phần quan trọng để tính chỉ số P/E (lãi cơ bản trên cổ phiếu) mà các nhà đầu tư định giá cổ phiếu.
- EPS là chỉ số lãi cơ bản trên một cổ phiếu, là một chỉ tiêu để đánh giá một cổ phiếu để từ đó ra quyết định mua cổ phiếu, tuy nhiên chỉ tiêu này rất dễ bị làm giả bởi các thủ thuật kế toán.
- Chẳng hạn một công ty có tốc độ tăng trưởng với EPS là 15%/năm nhưng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của công ty đó là hơn 45%/năm, bạn có bao giờ thắc mắc như vậy không? Lý do ở đây là bởi vì công ty đó phát hành thêm cổ phiếu hoặc trả cổ phiếu bằng cổ tức quá nhiều khiến cho chỉ số EPS bị pha loãng.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ thể hiện các dòng lưu chuyển bao gồm dòng tiền hoạt động kinh doanh và dòng tiền đầu tư, dòng tiền tài chính, báo cáo cho biết dòng tiền đến và đi từ đâu, từ hoạt động kinh doanh nào.
- Tiền trong doanh nghiệp có rất nhiều loại tiền, ví dụ như tiền thu từ bán hàng hay cung cấp dịch vụ và doanh thu khác, tiền chi trả cho người cung cấp dịch vụ hàng hóa, tiền cho nhân viên người lao động, tiền trả lãi vay đòn bẩy, tiền thuế, tiền thu từ hoạt động kinh doanh.
- Trong đó doanh nghiệp hoạt động tốt nhất trên dòng tiền hoạt động kinh doanh.
Thuyết minh báo cáo tài chính
- Thuyết minh báo cáo tài chính là phần mô tả lại thông tin chi tiết của 3 bản báo cáo trên
- Chẳng hạn Bạn muốn xem doanh thu đến từ nguồn nào, doanh thu có đến từ công ty con hay công ty liên kết không, vốn chủ sở hữu đến từ đâu, năm vừa giờ tăng lên bao nhiêu phần trăm vốn chủ sở hữu.
- Trong phần thuyết minh có báo cáo của Ban giám đốc và báo cáo của công ty kiểm toán.
Những lưu ý gì khi đọc báo cáo tài chính
- Lợi nhuận trên giấy tờ có thể làm lệch đi, doanh thu cũng có thể làm sai khác đi, và chúng ta chỉ nên xem những vị trí cần xem, và cần phải đọc thật kỹ báo cáo tài chính. Dòng tiền tài chính (vd như là tiền đi vay ngân hàng) có thể được biến tấu thành tiền lợi nhuận của công ty.
- Nhiều khi nếu có tin Chủ tịch công ty đó đăng ký mua hàng triệu hoặc hàng chục triệu cổ phiếu của chính công ty đó trong trường hợp CP giảm sâu để trấn an NDT , nhiều NDT nghĩ rằng là ồ, ngon ăn rồi. Nhưng thực ra đôi khi sẽ không phải như thế.
- Đa số NDT mới tham gia thị trường CK mang tính bộc phát, chưa trang bị kỹ kiến thức nền tảng, do đó danhgiachuan muốn mọi người trước khi tham gia thị trường này cần phải tìm hiểu hết về việc phân tích cơ bản.
- Để sau đó khi chọn được công ty tốt nhờ việc phân tích cơ bản rồi thì mới đi vào phân tích kỹ thuật để tìm điểm mua tốt và cũng như điểm bán tốt.
Các NDT khác nhau thì thích các dòng CP khác nhau, người thì thích CP nóng, người thích CP ổn định, người thích CP chu kỳ, hay thậm chí có người biết doanh nghiệp có tai tiếng rồi vẫn thích và thích một cách cuồng tín
Một trong những nguyên tắc 4M của Phil Town là MOAT có nhắc đến phần đánh giá định lượng về doanh nghiệp với các chỉ số báo cáo tài chính mà Bạn có thể tham khảo như:
- ROI: nên chọn công ty có ROI> 20% và bền vững liên tục trên 3 năm, hoặc ROE phải trên 30%
- Vốn chủ sở hữu tăng trưởng: trên 10%/năm và tăng trưởng kép, hoặc EPS>10%/năm
- Lợi nhuận thuần tăng trưởng: trên 10%năm và tăng trưởng kép
- Dòng tiền từ kinh doanh: phải xấp xỉ lợi nhuận và ổn định nhiều năm
- Nợ vay ròng: không vượt quá 3X lợi nhuận sau thuế
Lời kết
Việc đọc hiểu báo cáo tài chính là điều hết sức cần thiết và là bước phân tích cơ bản cần thiết cho nhà đầu tư không những trong lĩnh vực chứng khoán mà còn trong các công việc tài chính khác.
Việc đọc hiểu các bản báo cáo hoạt động tài chính của doanh nghiệp sẽ giúp cho nhà đầu tư đánh giá được sức khỏe của một doanh nghiệp từng quý, từng năm để từ đó đánh giá tổng thể được hiệu quả hoạt động kinh doanh và để yên tâm đầu tư dài hạn.